Khởi nghiệp bán trái cây cao cấp với khoản tiền 12 triệu đi vay, 9X Việt nay làm Bản đồ số trái cây Việt Nam khiến Bộ trưởng Nông nghiệp các nước bất ngờ.
Khởi nghiệp bằng chiếc tủ lạnh mua từ tiền đi vay
10 năm trước, nữ doanh nhân 9X Nguyễn Ngọc Huyền – Chủ tịch HĐQT Mia Group – khởi nghiệp khi vẫn còn đang là cô sinh viên năm 3 tại một trường đại học ở TP.HCM. Huyền tự nhận mình rất thích ăn trái cây nên luôn đặt câu hỏi “mẹ đang mua trái cây ở đâu mỗi ngày”. Câu trả lời rất đơn giản: 90% là mua ở chợ. Trái cây nhập khẩu mua ở siêu thị.
Sau đó, Huyền lại đưa ra hàng loạt câu hỏi về chất lượng, nguồn gốc, về nhu cầu của người tiêu dùng. Bởi, thời điểm ấy trên thị trường ngập tràn các thông tin về trái cây Trung Quốc, về trái cây tẩm hoá chất… Nếu không tìm được nguồn hàng chuẩn thì lợi bất cập hại.
Thấy rõ nhu cầu của thị trường, cô nảy ra ý định kinh doanh một thứ gì đó liên quan đến trái cây. Nhưng cô băn khoăn cần bắt đầu từ đâu, phân khúc khách hàng là gì, nhập hàng như thế nào?… Không có vùng trồng, Huyền quyết định bán trái cây nhập khẩu ở phân khúc cao cấp. Vì nếu làm ở phân khúc bình dân, cô không thể cạnh tranh được với siêu thị, chợ truyền thống.
“Lúc đó vay được của người cô 12 triệu đồng đem đi mua cái tủ lạnh bảo quản trái cây cho tươi ngon trong quá trình bán hàng”, nữ doanh nhân 9X nhớ lại. Riêng vấn đề nhập hàng, Huyền đàm phán với bên phân phối cho mua theo công nợ gối đầu. Ban đầu chỉ là 1-2 thùng hàng, sau tăng dần lên 5-10 thùng và tiếp đó là nhập cả lô.
Tất cả các loại trái cây Huyền nhập về bán đều là hàng loại A và chưa phổ biến trên thị trường, như: táo Envy New Zealand; nho đỏ, nho đen, nho xanh của Mỹ và Úc; cam, quýt, cherry, lê,… Hàng này tiêu chuẩn sản xuất vô cùng cao và khắt khe nên luôn đảm bảo về chất lượng, tỷ lệ hư hỏng rất thấp.
“Mình cũng không có mặt bằng, chỉ bán online, có shipper riêng. Khách đặt mua trái cây được giao tới tận nhà rồi quẹt thẻ thanh toán hoặc chuyển khoản”, Huyền nói.
Công việc buôn bán thuận lợi nên năm 2013, Huyền thành lập Công ty Mia Fruit chuyên bán trái cây cao cấp với tệp khách hàng ổn định.
Hai năm sau, bản thân nhận thấy nếu tiếp tục theo hướng cũ thì không có gì để cạnh tranh được trên thị trường. Vậy nên, Huyền quyết định tìm kiếm nguồn trái cây mới lạ. Cô nhắm đến các loại trái cây cao cấp của Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan. Nhờ đó, doanh thu của công ty tăng 300% mỗi tháng. Huyền cũng chính là người đầu tiên đưa nho mẫu đơn được trồng ở vùng Okayama (Nhật Bản) về Việt Nam năm 2015 bán với giá bán 5 triệu đồng/kg, sau đó là rất nhiều loại trái cây khác của Nhật.
Muốn làm trái cây Việt cao cấp như hàng Nhật
Với gần chục năm kinh doanh trái cây cao cấp, đi rất nhiều quốc gia để tìm nguồn hàng, nắm bắt đầy đủ quy trình sản xuất… Huyền thấy cách làm trái cây của họ khác rất nhiều với Việt Nam.
Ở các nước, họ áp dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất, cây chưa ra trái đã có khách hàng nên giá cả luôn ổn định ở mức cao. Những lần sang Nhật, cô tận mắt chứng kiến quy trình chăm sóc để tạo ra những trái cây đẳng cấp thế giới.
Ví như, trên giàn nho mẫu đơn có 100 chùm, nhà vườn cắt một nửa số chùm vứt đi. 50 chùm còn lại tiếp tục cắt bỏ 30% lượng trái/chùm để những trái còn lại sẽ phát triển đến cỡ cực đại, chất lượng ngọt, quả đồng đều. Họ chăm sóc nho giống như chăm em bé. Cùng với chất lượng thượng hạng, cách đóng gói, bao bì, chứng chỉ, thương hiệu và nghệ thuật bán hàng, người Nhật đã tạo ra câu chuyện quý và hiếm với sản phẩm nho mẫu đơn.
Vậy nên, người tiêu dùng sẵn sàng bỏ ra cái giá rất đắt đỏ để mua loại nho này không chỉ vì chất lượng mà còn vì thương hiệu, câu chuyện sản xuất.
Với trái cây Việt Nam, chủng loại vô cùng phong phú. Có những giống trái cây đặc sản nếu canh tác đúng và kỹ càng, chất lượng không thua gì những trái cây đặc sản của Hàn Quốc hay Nhật Bản. Song, quá trình canh tác ở mình thô sơ, khó đảm bảo các tiêu chuẩn. Người nông dân lại giữ thói quen chạy theo sản lượng, mù mờ về thị trường nên hàng tràn chợ, đôi khi phải giải cứu. Đây cũng là nguyên nhân trái cây Việt khó chen chân vào phân khúc trái cây cao cấp trên thị trường.
Theo Huyền, phân khúc trái cây cao cấp sẽ ngày càng phát triển. Vậy nên, không có gì là muộn. Nếu chúng ta thay đổi, bắt tay vào làm thì trái cây Việt có ngày sẽ đạt đẳng cấp như hàng Nhật.
Năm 2020, dịch Covid-19 bùng phát cũng là bước ngoặt với doanh nghiệp và bản thân Huyền. Không ra nước ngoài tìm kiếm được nguồn hàng mới, cô đến các vùng cây ăn trái ở nước ta để tìm hiểu kỹ hơn và quyết định liên kết sản xuất trái cây chất lượng cao phục vụ bán lẻ và xuất khẩu.
“Khi đó đúng vào mùa mận ở Sơn La nên mình quyết định bắt đầu từ trái mận hậu”, Huyền nói. Lần đầu lên Sơn La, cô đem theo các clip về quy trình chăm sóc trái cây của Nhật Bản để thuyết phục lãnh đạo tỉnh, huyện hướng dẫn người dân làm theo.
Huyền chỉ rõ cho nhà vườn cách hạ tán, tỉa cành đón được nguồn ánh sáng tốt nhất cho cây; cách tỉa bớt quả trên cành để trái phát triển cực đại; hướng dẫn sử dụng phương thức tưới nước tự động, bón phân và chăm sóc theo hướng hữu cơ như thế nào.
Đúng một năm sau, dịch bùng phát tại TP.HCM, Huyền bị kẹt ở Hà Nội và vô cùng bất ngờ khi nhận được những trái mận nhà vườn gửi cho mình ăn thử. Quả mận to, ăn không hề chát, ngọt thơm hơn cả mận Mỹ và Úc.
Nông dân trồng được trái mận rất thơm ngon, còn Huyền là người làm tiếp các công đoạn xây dựng thương hiệu “Mận hậu Ruby” cho Sơn La và thương mại hoá sản phẩm. Mận đưa ra thị trường nội địa bán được giá 130.000-230.000 đồng/kg, xuất khẩu sang một số nước với giá 370.000 đồng/kg. Thu nhập của nhà vườn ngay lập tức tăng gấp 5-6 lần so với trước đây. Mùa mận năm nay, thương hiệu Mận hậu Ruby tạo hiệu ứng đáng kinh ngạc. Giá mặt bằng mận trên thị trường tăng vọt.
Với Huyền, thương hiệu Mận hậu Ruby là “tiền đề” để người tiêu dùng Việt tin tưởng vào trái cây nội địa có thể đạt đẳng cấp như trái cây nhập khẩu.
Hai năm gần đây, doanh nghiệp của Huyền không chỉ phát triển ở mảng bán lẻ mà còn tập trung vào vấn đề công nghệ, đầu tư vào vùng trồng để có nguồn hàng đạt chuẩn, sau đó dần đưa trái cây Việt chiếm lĩnh thị phần ở phân khúc cao cấp, hướng tới xuất khẩu, định vị lại thương hiệu hàng Việt trên thị trường thế giới. Cũng bởi vậy, Huyền quyết định làm Bản đồ số trái cây Việt Nam, để mong giới thiệu đến bạn bè quốc tế về trái cây Việt Nam thông qua một cú nhấp chuột.
Bản đồ số trái cây Việt Nam – chợ B2B xuyên quốc gia
Năm 2020, Huyền cùng đội ngũ của mình bắt tay xây dựng. Đây là bản đồ công nghệ, số hóa, nên khi dùng máy tính hay điện thoại… đều có thể truy cập được ngay để thấy bức tranh toàn cảnh về trái cây của Việt.
Giai đoạn 1 đã hoàn thành. Tại bản đồ số trái cây, mỗi tỉnh thành, mỗi một địa phương, hợp tác xã có đặc sản gì, chỉ dẫn địa lý ra sao, vùng trồng như thế nào, sản lượng bao nhiêu… được thể hiện một cách rõ ràng.
Cuối năm ngoái, Bản đồ số trái cây Việt Nam được giới thiệu tại một triểm lãm ở Ý khiến Bộ trưởng Nông nghiệp nhiều nước bất ngờ. Tháng 11 tới, Huyền vinh dự được mời giới thiệu về Bản đồ trái cây Việt Nam tại hội chợ Aisa Fruit Logistica 2022 do Thái Lan tổ chức.
Cũng trong tháng tới, Bản đồ số trái cây sẽ bước vào giai đoạn kết nối hơn 800 doanh nghiệp lớn về ngành nông sản trên thế giới với khoảng 1.000 hợp tác xã sản xuất trái cây ở Việt Nam.
Tiến tới, đây sẽ là mạng xã hội để kết nối giữa người mua và người bán. Nói dễ hiểu nó chính là chợ B2B, trong đó sẽ có chợ B2B nội địa và quốc tế. Tất cả các doanh nghiệp trong nước và quốc tế đều có thể tham gia. Doanh nghiệp sẽ đặt hàng, hợp tác xã nhận đơn trồng theo tiêu chuẩn khách yêu cầu. Từ đó, dần giải quyết tình trạng được mùa rớt giá, cũng như xoá bỏ cảnh “giải cứu” nông sản.
Để làm được, Huyền cho rằng không chỉ cần thời gian mà còn cả sự hợp sức của nhà đầu tư nước ngoài và trong nước về logistics ở các trung tâm trái cây.
Nữ doanh nhân 9X nhấn mạnh, làm nông nghiệp không tính bằng tháng mà phải tính theo năm. Ít nhất 2-3 năm mới bắt đầu chuyển mình được. Song, dù làm bất cứ việc gì, phương châm của Huyền là niềm tin. “Bởi, trong bất cứ mối quan hệ nào cũng phải có niềm tin, tin tưởng nhau như vậy mới có thể đi cùng nhau và đi được xa”, Huyền chia sẻ.
Theo Vietnamnet